Thị hiếu thẩm mỹ của các nhà thơ Trung Quốc, qua thơ Đường




TIỂU LUẬN VĂN HỌC
                                                                        
                          Thị hiếu thẩm mỹ   
của các nhà thơ Trung Quốc, qua thơ Đường

                                                                                                                       VÕ PHÚC CHÂU

1.VÀI NÉT VỀ THỊ HIẾU THẨM MỸ:
Con người là hiện thân của cái đẹp, nhưng luôn ngạc nhiên về cái đẹp của chính mình và xung quanh mình. Cái đẹp luôn có một sức hấp dẫn kỳ lạ, thu hút sự chú ý của con người. Nó được cảm nhận bởi ý thức, ẩn sâu trong tiềm thức, vô thức. Mỗi khi bắt gặp một vẻ đẹp trẻ trung, nụ cười gợi cảm, chứng kiến một hành vi cao thượng, hay ngắm nhìn một sự sống mới tượng hình, một cảnh mùa xuân tràn đầy hương sắc,... con người thường nảy sinh trạng thái xúc động. Tri giác và xúc động trước các khách thể thẩm mỹ này, con người hình thành trong mình cảm xúc thẩm mỹ. Những cảm xúc thuộc về cá nhân ấy dần dần ổn định, hợp thành một thực thể bền vững và biến thành sở thích thẩm mỹ của người đó. Sở thích thẩm mỹ chính là biểu hiện của thị hiếu thẩm mỹ.
Thị hiếu thẩm mỹ là một thành tố cơ bản của ý thức thẩm mỹ. Nó thể hiện sự bằng lòng và hứng thú của chủ thể khi tiếp nhận và đánh giá các đối tượng nhất định. Nó là vấn đề ý thức được cụ thể hóa bằng hành động, bằng vật phẩm. Nó in dấu vết trên hầu hết những gì con người tạo ra trong môi trường sống.
Thị hiếu thẩm mỹ là một hiện tượng xã hội – lịch sử, trong đó kết hợp những yếu tố có tính nhân loại, những yếu tố thuộc về tầng lớp, giai cấp, giới tính và những yếu tố cá nhân. Bất kỳ một sự ưa thích, một sự lựa chọn nào của cá nhân trong lĩnh vực thẩm mỹ đều mang dấu vết xã hội. Nếu cảm xúc thẩm mỹ thiên về khía cạnh trực giác, cảm quan và tình cảm thì trong thị hiếu thẩm mỹ đã có sự hòa hợp và cân bằng giữa cảm tính và lý tính, giữa trực giác tức thời và sự nghiền ngẫm lâu dài. Sự khác biệt về trình độ văn hóa, kinh nghiệm sống và đời sống đạo đức,... khiến con người khác nhau về thị hiếu thẩm mỹ: cao quý hoặc thấp kém.
Như mọi hiện tượng xã hội khác, thị hiếu thẩm mỹ cũng mang tính qui luật. Có ba loại qui luật thường xuyên chi phối, tác động đến sự hình thành và phát triển của nó. Đó là quy luật xã hội học, qui luật tâm lý học và qui luật thẩm mỹ học. Qui luật xã hội học giải thích sự phát sinh, phát triển và tiêu vong của các loại thị hiếu, các loại “mốt”. Qui luật tâm lý thể hiện sự thích ứng giữa nhu cầu tình cảm của con người và đối tượng bên ngoài. Nó cũng như qui luật cung cầu trên thị trường. Còn qui luật thẩm mỹ là sự tổng hòa những qui luật xã hội học và tâm lý học. Nó đặc biệt chú ý qui luật của cái hài hòa; qui luật chi phối, tác động lẫn nhau giữa nội dung và hình thức. Các qui luật này là cơ sở để giải thích mọi hiện tượng thị hiếu thẩm mỹ.
Cần nói rõ, thị hiếu thẩm mỹ là một hình thái biểu hiện năng lực và nhu cầu tinh thần của cá nhân. Nó hình thành trong một nền giáo dục, một môi trường giao tiếp và môi trường lao động cụ thể. Đặc biệt, nó được sự định hướng hữu hiệu bởi các nghệ sĩ sáng tạo. Qua tác phẩm nghệ thuật có giá trị, con người được nâng dần trình độ thưởng thức nghệ thuật, từng bước hình thành thị hiếu nghệ thuật. Chính thị hiếu này mới là biểu hiện tập trung nhất, là hạt  nhân của thị hiếu thẩm mỹ.
Có thể nói, chính những nghệ sĩ, qua hoạt động sáng tạo và tác phẩm nghệ thuật đích thực của mình, đã góp phần quan trọng để nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của công chúng. Từ đó, để tìm hiểu thị hiếu thẩm mỹ của con người trong một thời đại cụ thể, người ta tìm hiểu trước hết  thị hiếu thẩm mỹ của chính các văn nghệ sĩ. Bởi họ là những đại diện rõ nhất, tiêu biểu nhất.
Bài viết này soi rọi lý thuyết trên bằng cách chọn và đi vào khảo sát thị hiếu thẩm mỹ các nhà thơ. Cụ thể, đó là các nhà thơ Trung Quốc của một thời hoàng kim: thơ Đường.

2. VÀI NÉT VỀ THƠ ĐƯỜNG VÀ CÁC NHÀ THƠ ĐỜI ĐƯỜNG:
Từ xa xưa, nền văn học Trung Quốc đã là một dòng chảy lớn, cuồn cuộn, mãnh liệt, đổ ra bể văn hóa nhân loại. Đặc biệt, thơ ca đời Đường là một nhánh sông hùng vĩ. Khởi nguồn và tuôn trào ngót 300 năm (617 – 904), thơ Đường đem hơi mát, vị ngọt lành cho đời sống tinh thần người Trung Quốc nói riêng, người phương Đông nói chung. Nó in dấu ấn một thời đại đầy biến cố lịch sử, với sự chuyển mình kinh ngạc của văn học. Nó thực sự là thời kỳ hoàng kim của thơ ca cổ điển Trung Quốc: cách tân và sáng tạo mạnh mẽ; nghệ thuật thơ đi vào mẫu mực; đề tài phong phú, đa dạng,... Thơ Đường trở thành cuộc họp mặt hùng hậu của 2.300 nhà thơ tài hoa, với khoảng 50.000 bài thơ đặc sắc.
Dòng chảy thơ Đường có 4 thời kỳ, mang diện mạo và sinh khí khác nhau:
¨  Sơ Đường (618 – 713) bóng bẩy và hoa mỹ trong những vần thơ ca tụng.
¨  Thịnh Đường (713 – 766) “ Tài này, sắc ấy nghìn vàng chưa cân” (Nguyễn Du).
¨  Trung Đường (766 – 835) bắt đầu phai sắc kém hương, với vần thơ cảm thương, u uẩn.
¨  Vãn Đường (835 – 907) buổi chiều tà, với những vệt sáng hoàng hôn cuối cùng.
Sừng sững giữa đội ngũ 2.300 nhà thơ là những tên tuổi ngời chói. Sơ Đường có tứ kiệt: Vương Bột, Lạc Tân Vương, Lô Chiếu Lân, Dương Quýnh,... Thịnh Đường có thi tiên Lý Bạch, thi thánh Đỗ Phủ, thi phật Vương Duy,... Trung Đường có Bạch Cư Dị, Liễu Tông Nguyên,... Vãn Đường có Lý Thương Ẩn, Đỗ Mục,... Mỗi nhà thơ là một ngọn sóng tỏa dư ba khác nhau, nhưng cùng tạo nên sinh khí cuồn cuộn, tráng lệ cho thơ ca thời này. Chúng ta xin mượn lời cụ Ngô Tất Tố để cảm nhận khái quát về thơ Đường:
Sơ Đường phần nhiều hay về khí cốt nhưng lối dùng chữ đặt câu chưa được trau chuốt cho lắm. Vãn Đường giỏi về từ tảo, lời đẹp, ý sâu, nhưng lại thiếu phần hùng hồn, có khi còn bị cái tội ủy mị là khác. Duy chỉ có Thịnh Đường ở vào giữa hai thời kỳ ấy, cho nên chẳng những không có cái dở của hai thời kỳ kia, mà còn gồm cả cái hay của hai thời kỳ ấy nữa”.

3. GIỚI HẠN NGHIÊN CỨU:
Bài viết này không chủ ý đi tìm những đặc trưng thẩm mỹ của thơ Đường, cũng không cao vọng phát hiện thêm những giá trị tiềm ẩn của nó. Người viết chỉ xin vận dụng lý thuyết về thị hiếu thẩm mỹ để tìm hiểu một số tác giả tiêu biểu, thông qua những bài thơ Đường đặc sắc. Tuy nhiên, do số lượng tác phẩm, tác giả quá lớn, năng lực người viết lại hạn chế..., bài viết xin giới hạn trong một tuyển tập thơ cụ thể, với một vài khía cạnh nổi bật củavấn đề. Cơ sở khảo sát và kết luận trong bài dựa vào tập Thơ ca cổ điển Trung Quốc (giáo sư Lương Duy Thứ và giáo sư Nguyễn Lộc biên soạn, Nhà xuất bản Trẻ kết hợp Hội nghiên cứu và giảng dạy Văn học thành phố Hồ Chí Minh ấn hành, năm 1997). Tuyển tập bao gồm 49 bài thơ Đường hay nhất. Mọi số liệu thống kê đều căn cứ vào 49 bài này.
Bài viết khảo sát thị hiếu thẩm mỹ của các nhà thơ, thông qua các khách thể thẩm mỹ có tần  số xuất hiện cao trong tác phẩm như: cảnh đêm, cảnh mùa xuân, cảnh chiều, hình ảnh dòng sông, hình ảnh trăng. Bài viết cũng đi sâu tìm hiểu cảnh và tình qua hai xúc cảm thẩm mỹ chính: tâm trạng buồn, chứa chan nước mắt sự hồi tưởng, nỗi tiếc nhớ thời gian đã qua.

4. THỊ HIẾU THẨM MỸ CỦA CÁC NHÀ THƠ ĐỜI ĐƯỜNG:
Cuộc sống đa cạnh, đa chiều, mỗi nhà thơ lại là một tài năng, một khí cốt đặc biệt. Vì thế, họ đã chủ động tạo cho mình một phong cách thơ riêng, đặc sắc. Tuy nhiên, điều thú vị là, qua những rung cảm tự nhiên nhất, trong những lúc ngẫu hứng chọn và khai thác đề tài, họ đã cùng tỏ ra chú ý và thích thú một số khách thể thẩm mỹ. Tần số lặp lại những khách thể này, trong tác phẩm, đã bộc lộ thị hiếu thẩm mỹ của họ. Nhìn chung, các nhà thơ thường lấy cảm hứng từ thiên nhiên, cho dù đó là giờ tống biệt, là nỗi nhớ da diết cố hương, hay là nỗi đau thương vì chiến tranh, loạn lạc. Thiên nhiên hiện lên chỉ vài nét mờ ảo nhưng tỏa ấm linh hồn của vạn vật, của cuộc sống. Mượn thiên nhiên, các nhà thơ muốn tạo ra một “huyền ngoại chi âm” (tiếng vang sau khi dây đàn ngừng bặt). Người đọc phải cố lắng nghe dư âm ấy, kể cả phải biết cảm nhận được cái “cam dư chi vị” (vị ngọt sau khi ăn quả đắng). Thiên nhiên trong thơ Đường gắn với một không gian, thời gian nhất định. Phần nhiều, các hình ảnh cụ thể chính là nét phác của cả vũ trụ, hay là sự cụ thể hóa một dòng thời gian chảy trôi. Những đặc điểm trên đều in dấu vào thị hiếu thẩm mỹ của các nhà thơ.
4.1. CẢNH ĐÊM:
Cảnh thiên nhiên ban đêm được các nhà thơ tỏ ra ưa thích. Có 18/49 bài thơ nhắc cảnh màn đêm, chiếm tỉ lệ 37%. Với 23 lần gợi tả, các nhà thơ thường tái hiện đêm qua không gian rộng mở, tĩnh lặng. Đêm có vầng trăng lặng lẽ, có cánh hoa khẽ khàng rơi, có tiếng chuông chùa tan thấm vào sương khuya bát ngát. Thỉnh thoảng, một tiếng cuốc kêu, đẩy không gian như  rộng hơn, xa thêm. Có lẽ, đêm là thời gian vạn vật đều ngơi nghỉ, vũ trụ đi vào chiều sâu. Khi ấy, con người buông mình vào giấc ngủ êm đềm, mà tâm hồn thì mở rộng, khát khao hứng lấy vẻ đẹp đất trời huyền ảo. Thiên nhiên như mở ra cùng với chính tâm hồn con người. Những vần thơ của Trương Kế tiêu biểu nhất cho mạch cảm xúc này:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
 Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
         Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
         Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
(Phong kiều dạ bạc)
 (Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi
        Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co
        Chùa đâu trên núi Cô Tô,
        Tiếng chuông đưa đến bến đò canh khuya)
                             (Đêm đỗ thuyền ở Phong Kiều Bạc – Ngô Tất Tố dịch)
Cả bài thơ bàng bạc một nỗi buồn, nhưng đó là cái buồn toát lên từ vẻ đẹp mê đắm não nùng của trời đêm. Trong giấc ngủ, con người thấy tâm hồn mình giao hòa cùng vẻ đẹp thiên nhiên, vũ trụ.
Tuy nhiên, đêm rộng quá, xa vắng quá, thành ra lòng người nhiều lúc rơi vào nỗi cô đơn. Những người một mình thao thức thường cảm giác lạc lõng giữa vũ trụ, xa cách người thân và cố hương. Thiếu bạn tri âm, vắng người thân thích, các nhà thơ thường mượn cảnh đêm để thổ lộ lòng mình. Có 10 bài là tâm sự về nỗi cô đơn, trống vắng. Trong thơ của họ, trăng và sương đêm nhòa lẫn vào nhau, cũng như nỗi nhớ cố hương chảy tràn theo vầng sáng trên mặt đất (Tĩnh dạ tư – Lý Bạch). Trước cảnh hữu tình, người buồn gặp mình với bóng (Nguyệt hạ độc chuốc – Lý Bạch). Trước cảnh lạnh lẽo, mênh mông, người buồn quặn nhớ nhà cửa, vợ con (Nguyệt dạ – Đỗ Phủ). Nghe tiếng chuông, gảy khúc đàn, người kỹ nữ ôm nỗi tủi hờn, chìm khuất vào đêm dài lạnh vắng (Tì bà hành – Bạch Cư Dị)... Có lẽ, các nhà thơ xưa gặp nhau ở cảnh đêm cũng bởi những nỗi niềm này. Họ mượn đêm làm tín hiệu gợi mở tâm trạng khắc khoải, ưu tư, cô đơn, sầu nhớ.
Mặt khác, cảnh đêm còn được nhắc đến, khi các nhà thơ gợi ra bao nỗi nhọc nhằn, bất trắc, khốn khổ của một đời người. Đó là bóng tối mịt mờ, là cơn gió thu ngang tàng thổi tốc mái nhà rách nát, là trận mưa đêm lạnh lùng xối ướt em thơ (Mao ốc vi thu phong sở phá ca – Đỗ Phủ). Đó là cơn gió nồm đêm qua, báo hiệu một mùa gặt lúa nộp thuế, cật lực vẫn hoàn đói rách (Quan nghệ mạch – Bạch Cư Dị). Đó còn là bóng đen giăng lưới, đồng lõa với bọn quan quân quát tháo, bắt người đi lính (Thạch hào lại – Đỗ Phủ)... Đã có 05 bài trực tiếp tả cảnh đêm như thế.
Dường như, trong cảm thức các nhà thơ, đêm còn đồng nghĩa với bóng tối mịt mùng, mưa gió lạnh buốt xương, cùng biết bao tai ương rình rập. Có một đêm yên ngủ, bù lại ngày dài vắt kiệt tâm sức mình, đó là nhu cầu tối thiểu của mỗi con người. Vậy mà, với người nghèo, nó lại là nỗi thèm ước ngoài tầm tay với. Hơn nữa, đêm vốn tĩnh lặng, nên chỉ nghe một tiếng nấc nghẹn ngào, một tiếng kêu khản giọng,... lòng người cũng đủ nhói đau. Những hồn thơ trắc ẩn thích mượn đêm để gởi lòng thương cảm xót xa, phải chăng chính vì điều đó?
Có thể thấy, cảnh đêm tuy không là đề tài chính trong thơ Đường nhưng nó thường xuyên xuất hiện. Nó chứng tỏ sự ưa thích của các nhà thơ, khi muốn diễn tả những rung động tinh tế của lòng mình trước thiên nhiên, trước nhân tình thế thái.
4.2. CẢNH XUÂN:
Xuân vốn là mùa đẹp nhất trong năm. Ai không từng nôn nao tận hưởng vẻ đẹp của sắc xuân, sức xuân. Ai cũng muốn có mùa xuân trong lòng mình, trong đời mình.
Các nhà thơ Đường hơn thế, họ đã mang mùa xuân vào thơ ca. Có 10/49 bài, chiếm tỉ lệ 20%, với 15 lần gợi nhắc. Cảnh xuân hiện lên ngay ở tựa đề (Xuân hiểu – Mạnh Hạo Nhiên; Xuân tứ – Lý Bạch; Xuân vọng – Đỗ Phủ). Nó được nhắc đến qua thời khắc: mùa xuân, buổi sớm mùa xuân, ngày xuân, chiều xuân, đêm xuân... Nó được tô vẽ bằng nét bút phóng khoáng và tươi tắn: cảnh xuân, trời xuân, non xuân, sông xuân, gió xuân, áo xuân... Con người trông xuân, dạt dào tứ xuân, rủ nhau đi chơi xuân, cùng say với chiều xuân, rồi trở về ngả mình vào giấc ngủ đêm xuân,...
Mùa xuân đẹp biết bao, nhưng mùa xuân lại chóng tàn. Cảnh xuân thành ra như trêu ngươi. Giấc ngủ đêm xuân thần tiên biết bao. Nhưng tỉnh giấc xuân, lòng người nuối tiếc vì phải để ít nhiều hoa rụng trong đêm (Xuân hiểu – Mạnh Hạo Nhiên). Ngày xuân, nhìn cây dương liễu lộ sắc xuân, người vợ trẻ tiếc vì để chồng đi kiếm ấn phong hầu (Khuê oán – Vương Xương Linh). Cảnh xuân càng gợi cảm, càng tình tứ, lòng người càng tiếc nuối, vì tình yêu, hạnh phúc ngắn ngủi đã sớm trôi qua, tuổi xuân không còn mãi với đời (Xuân tứ – Lý Bạch; Trường hận ca; Tì bà hành – Bạch Cư Dị).
Ở những bài viết về chiến tranh, cảnh mùa xuân tươi sáng gắn liền với ngày vui chiến thắng (Văn quan quân thu Hà Nam, Hà Bắc – Đỗ Phủ). Nhưng mùa xuân cỏ cây âm u, hoa đầm nước mắt, lại là cảnh tượng sông núi điêu linh, người người ly biệt (Xuân vọng – Đỗ Phủ).
Thích khai thác cảnh tượng mùa xuân, các nhà thơ tỏ ra nhạy cảm với thời gian. Thời gian  trôi qua, không có cái đẹp nào vĩnh cửu, không có sự vật nào đứng yên. Bởi vậy, cảnh xuân càng đẹp, càng sớm lụi tàn. Niềm vui xuân càng mau đến, nỗi buồn càng đọng lại thấm thía, dài lâu. Mùa xuân trở thành biểu tượng cho giấc mộng êm đềm, tuổi xuân phơi phới, hạnh phúc và tình yêu nồng thắm. Nhưng, như mùa xuân đất trời, tất cả đều vụt đến, vụt đi, chỉ kịp cho con người tiếc nuối. Biết rằng bốn mùa vẫn tuần hoàn, chẳng hiểu sao, không thấy bài thơ nào diễn tả niềm vui khi mùa xuân trở lại.
Rõ ràng, các nhà thơ Đường tỏ ra thích cảnh xuân. Nhưng mỗi khi miêu tả, họ ít tận hưởng trọn vẹn niềm vui hiện tại. Tất cả đều cùng man mác nỗi buồn tiếc thương tuổi trẻ, hạnh phúc và quá khứ.
4.3. CẢNH CHIỀU:
Hoàng hôn cũng là cảnh tượng đầy thi vị trong thiên nhiên. Nhiều người thích ngắm cảnh chiều tà, bởi ánh nắng vàng nhạt, bởi ráng đỏ trời tây,... Cứ ngỡ thơ Đường sẽ có nhiều bức tranh chiều đắm say, diễm lệ. Nhưng ngược lại, chỉ có dày đặc cảnh chiều tối, với nỗi buồn giăng kín. Xuất hiện qua 07/49 bài, tỉ lệ 14%, cảnh chiều gợi cho người đọc nhiều suy tư. Thiên nhiên buổi chiều đổ về hướng tây. Đó là cơn mưa ở núi phía tây, mây lơ lửng như chuỗi ngày dằng dặc (Đằng vương các – Vương Bột), là mặt trời lặn xuống dòng sông khói sóng mịt mù (Hoàng hạc lâu – Thôi Hiệu). Đó là cảnh vườn Lương xơ xác mấy nếp nhà, quạ bay tới tấp (Sơn phòng xuân sự – Sầm Tham), là mặt đất mây đùn cửa ải xa (Thu hứng I – Đỗ Phủ). Cảnh chiều luôn ở trạng thái vận động chuyển về đêm. Các nhà thơ hầu như không dùng từ hoàng hôn, mà tập trung  biểu đạt qua từ mộ: nhật mộ (chiều tà, trời tối), mộ đầu Thạch Hào thôn (buổi tối trú ở thôn Thạch Hào), mộ hôn thần cáo biệt (chập tối đưa dâu, sớm mai từ biệt), cấp mộ châm (tiếng nện vải về chiều nghe càng mau), Châu liêm mộ quyển Tây sơn vũ (Tây sơn mưa tối, cuốn rèm châu),... Nó cũng được đối chiếu với sớm mai: sớm còn như tơ xanh, chiều đã như tuyết (Tương tiến tửu – Lý Bạch ), vợ chồng cưới chiều hôm, vắng sớm mai (Tân hôn biệt – Đỗ Phủ), sớm lại chiều qua, nhan sắc kém sút (Tì bà hành – Bạch Cư  Dị),...
Cảnh chiều được xem như sự vận động của vũ trụ, từ dương ngả sang âm. Tả cảnh chiều, các nhà thơ chuyển cảm xúc từ vui hóa buồn, nhận ra tâm hồn từ yên bình chuyển sang biến động, đổi thay và bất trắc. Khi ấy, họ thường tìm chỗ dựa tinh thần –một mái ấm gia đình, một hình ảnh quê hương khuất bóng (Hoàng hạc lâu – Thôi Hiệu). Họ bao lần rơi nước mắt vì nỗi lòng nhớ cố hương (Thu hứng I – Đỗ Phủ). Trong sự đối chiếu với sớm mai, cảnh chiều nhắc nhở qui luật tàn phai nghiệt ngã của cuộc đời. Nó chứa đựng nỗi luyến tiếc, muốn quay về năm tháng đã qua...
Cách miêu tả trên của các nhà thơ chứng tỏ họ tìm thấy ở cảnh chiều sự chuyển vần của thời gian, sự đồng cảm vì cách xa, ly biệt. Cảnh chiều giúp họ suy tư, chiêm nghiệm. Vì thế, mượn cảnh chiều, họ gởi gắm được nhiều triết lý nhân sinh.
4.4. HÌNH ẢNH DÒNG SÔNG:
Những hình ảnh thiên nhiên nêu trên, phần nhiều là nét điểm xuyết cho cảnh tượng thời gian. Tuy nhiên, cũng có những hình ảnh xuất hiện, mang ý nghĩa tương đối độc lập và chiếm tỉ lệ khá cao trong các bài thơ. Tiêu biểu là hình ảnh dòng sông.
Nó xuất hiện qua 22/49 bài, tỉ lệ 45%, với 24 lần được nhắc. Có lúc, nó đi vào trang thơ với tên gọi cụ thể, những cái tên đủ khiến người dân Trung Quốc tự hào: Trường Giang, Hoàng Hà, Mịch La, Dịch Thủy, sông đất Thục, dòng nước Trường An,... Những dòng sông ấy gắn liền tuổi tên bao con người bất tử: Lý Bạch (Thiên mạt hoài Lý Bạch – Đỗ Phủ), Kinh Kha (Dịch thủy tống biệt – Lạc Tân Vương),... Nó gắn liền với tình bạn cảm động, lớn lao, cao đẹp (Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng – Lý Bạch), hay gợi nhớ những miền đất một thời giàu có, phồn hoa: đất Thục, Trường An (Lệ nhân hành – Đỗ Phủ; Trường hận  ca – Bạch Cư Dị),... Tình cảm lớn của các nhà thơ khi ấy cũng tràn trề như dòng sông lớn.
Còn những dòng sông khác lại gợi ra nỗi ám ảnh về thời gian. Đó là sông lớn ngoài hiên luống chảy hoài (Đằng vương các – Vương Bột), là sông Hoàng Hà từ trên trời xuống, cuồn cuộn chảy ra biển không trở lại (Tương tiến tửu – Lý Bạch). Có khi qua sự liên tưởng: người xưa người nay như nước chảy (Bả tửu vấn nguyệt – Lý Bạch). Lúc này, sông nước và dòng chảy triền miên của nó đã trở thành biểu tượng cho dòng thời gian trôi đi, không bao giờ trở lại. Các nhà thơ soi bóng nước, cảm thấy niềm vui qua nhanh, hạnh phúc không đến hai lần và tự an ủi mình tạm sống vui với hiện tại.
Có khi, dòng sông lại gợi ấn tượng về con đường đời, về thời cuộc. Lý Bạch nhìn những người kéo thuyền trên sông, thấy nước đục không uống được mà lòng tan nát, lệ trào như mưa (Đinh đô hộ ca). Ông nhìn sóng cuộn ngược dòng mà thấy đường xứ Thục khó đi hơn cả lên trời xanh (Thục đạo nan). Ông chạnh nghĩ đến sông Tang Càn, sông Thông Hà mà kinh hãi cho cảnh chiến trường phơi xương trắng (Chiến thành nam). Đỗ Phủ, từ kinh đô về huyện Phụng Tiên, nhận ra dòng sông rộng, không thể vượt được, có bao người khốn khổ, bao người chết trơ xương (Tự kinh phó Phụng Tiên huyện vịnh hoài ngũ bách tự). Những dòng sông Trung Quốc đa phần hùng vĩ, sóng to, nước xiết. Chuyện đi lại ngày xưa nhọc nhằn, cách trở đò ngang. Binh đao loạn lạc kéo dài bao thế kỷ,... Có lẽ hoàn cảnh sống ấy khiến các nhà thơ dễ hình dung dòng sông như con đường đời, đầy nỗi khổ đau và tai họa. Dòng sông ấy có một phần nước mắt cảm thương tuôn chảy của những tấm lòng thơ.
Ở góc độ khác, dòng sông mênh mông khiến cho đất thêm dài, trời thêm rộng. Vũ trụ bao la bao nhiêu, con người càng bé nhỏ, cô đơn và đau khổ bấy nhiêu. Nỗi tương tư nát ruột gan của Lý Bạch khiến hồn bay đau khổ trên nước biếc sóng dàn (Trường tương tư). Liễu Tông Nguyên lại vẽ ra dòng sông buốt giá cùng một nỗi cô đơn:
Thiên sơn điểu phi tuyệt
Vạn kinh nhân tung diệt
Cô chu thôi lạp ông
Độc điếu hàn giang tuyết
(Giang tuyết)
( Giữa ngàn non, chim bay tắt bóng
Trên đường muôn ngả, dấu người vắng tanh
Thuyền trơ trọi, ông già nón lá áo tơi
Một mình ngồi thả câu trong tuyết trên sông lạnh)
(Tuyết trên sông)
Bài thơ là một bức tranh thủy mặc: cảnh tượng đẹp trong hoang vắng và hiu hắt. Vũ trụ bao la đến độ không một dấu chân người, không một cánh chim bay. Thời gian như đóng băng. Con người hiện diện đấy, lặng lẽ và trơ trọi, mặc cho tuyết rơi đầy trên sông lạnh. Bài thơ gợi ra nhiều liên tưởng: hữu hạn và vô hạn, con người và vũ trụ, hội họa và thi ca,... Sức hấp dẫn đầy mê hoặc của bài thơ phần lớn vì sự hiện diện của dòng sông. Nỗi cô đơn của con người cũng hằn lên vì sự lạnh vắng của dòng sông.
Dòng sông khiến con người thấm thía nỗi cô đơn, thì cũng chính nó đưa những con người tha hương tìm lại quê nhà. Không ít hình ảnh dòng sông gắn liền với nỗi nhớ cố hương. Thử hỏi, có dòng sông nào mang nỗi sầu thiên cổ đến dường này:
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu
(Hoàng hạc lâu – Thôi Hiệu)
Mặt trời lặn khuất đã đủ làm người mủi lòng nhớ quê, xui khiến làm chi thêm dòng sông đầy khói sóng, để nỗi buồn chất ngất thêm. Hay trước cảnh lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm, người xa quê tuôn lệ, buộc mối tình nhà với con thuyền quạnh hiu (Thu hứng – Đỗ Phủ). Nhìn dòng sông dằng dặc, nước cuồn cuộn trôi, có kẻ một mình lên đài cao, xót thân thường nơi đất khách (Đăng cao – Đỗ Phủ). Còn bao nhiêu bài thơ nữa đã mượn hình ảnh dòng sông, để những đứa con lưu lạc gởi lòng thương nhớ theo sóng nước, tìm lại gia hương. Tâm lý sáng tạo này có lẽ bắt nguồn từ một tình cảm sâu sắc: quê hương ai cũng có một dòng sông, dòng sông tắm mát tuổi thơ, dòng sông gợi niềm khao khát phiêu bạt giang hồ,... Số phận đẩy đưa, bao người trôi theo những dòng sông lạ, để rồi sóng gió trái ngang chắn nẻo trở lại quê nhà.
Hiện diện trên mọi nẻo đường, tồn tại mãi với không gian và thời gian, dòng sông trở thành hình ảnh thuộc loại đặc sắc nhất trong thơ Đường. Các nhà thơ thích tìm cảm hứng từ dòng sông, bởi nó có thể chuyên chở nhiều ý nghĩa sâu xa: là dòng hoài niệm, dòng thời gian, dòng đời, là đất rộng trời dài, là dòng cảm xúc cô đơn, sầu nhớ quê hương,...
4.5. HÌNH ẢNH ÁNH TRĂNG:
Tần số xuất hiện sau hình ảnh dòng sông chính là ánh trăng. Có trong 13/49 bài, tỉ lệ 27%, với 16 lần được nhắc, ánh trăng tỏa sáng trời đêm. Ánh trăng làm bạn với người, hiểu được nỗi niềm những người thao thức ngắm trăng. Đôi khi, trăng soi giấc mộng thần tiên: vui cảnh thanh bình, ngước mắt nhìn trăng, người tưởng mình sẽ gặp được tiên nơi nguyệt đài Dao (Thanh bình điệu – Lý Bạch). Biết niềm vui ngắn ngủi, con người tận hưởng niềm hoan lạc dưới trăng:
Nhân sinh đắc ý tu tận hoan
Mạc sử kim tôn không đối nguyệt
(Tương tiến tửu – Lý Bạch)
(Người sinh đắc ý vui tràn đi
                         Chớ để chén vàng trơ dưới nguyệt)
(Sắp mời rượu – Khương Hữu Dụng dịch)
Vầng trăng lúc này mang ánh sáng soi cuộc vui thâu đêm, trở thành chứng nhân của niềm vui trần thế. Có trăng, cuộc vui bỗng thêm lung linh, huyền diệu. Nhưng bớt đi ánh sáng kỳ ảo, trăng cùng vạn vật tạo cho vũ trụ vẻ đẹp thơ mộng, đượm buồn:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
(Phong kiều dạ bạc – Trương Kế)
Thiếu đi ánh trăng xế tà, màn sương đâu còn bảng lảng, và không gian đâu còn dịu dàng để ru ai giấc ngủ, hòa nhập hồn mình với thiên nhiên...
Ở hoàn cảnh khác, tiếng cuốc kêu dưới trăng đêm làm tăng cảnh âu sầu núi non cô quạnh (Thục đạo nan – Lý Bạch). Hay trong đêm mùa xuân, không gian đang yên tĩnh, lòng người nhẹ như hoa quế rụng, bất chợt ánh trăng lên, làm vỡ òa tiếng kêu chim núi:
Nguyệt xuất kinh sơn điểu
Thời minh tại giản trung
(Điểu minh giản – Vương Duy)
Trăng lung linh, gợi cảm như thế. Nhưng trăng không có nhiều niềm vui ban phát. Nhiều khi trăng lên chỉ để chia sẻ tâm sự cùng người, trăng soi tỏ nỗi buồn thấu tâm can. Lý Bạch vốn là người yêu trăng nhất. Nhà thơ không còn ai tri kỷ, đành làm bạn với trăng:
Ngã ca nguyệt bồi hồi
Ngã vũ ảnh linh loạn
Tỉnh thì đồng giao hoan
(Nguyệt hạ độc chuốc)
 (Ta hát, trăng bồi hồi
Ta múa, bóng rối loạn
Lúc tỉnh cùng nhau vui)
(Một mình uống rượu dưới trăng – Tương Như dịch)
Còn nỗi cô đơn nào bằng, khi chỉ tìm thấy mình với bóng. May mà thao thức bao đêm trường, nhà thơ có vầng trăng tri kỷ. Đôi lúc, ánh trăng sáng đầu giường khiến người ngỡ ngàng, ngẩng đầu nhìn trăng sáng, để rồi cúi đầu nhớ cố hương (Tĩnh dạ tư). Làn sương lạnh lẽo trên chiếu đơn khiến người phải cuốn rèm ngắm trăng, luống những than dài (Trường tương tư). Trăng chứng kiến cả cảnh người nghèo kéo thuyền trong đêm (Đinh đô hộ ca). Dường như tạo hóa cho trăng ánh sáng trong lành và hiện diện trong đêm là để xoa dịu nỗi đau khổ, nỗi cô đơn thầm lặng của con người.
Đến nhà thơ Đỗ Phủ, trăng làm bạn với một thân phận cô quạnh, sống ly biệt vợ con:             “ Kim dạ Phu Châu nguyệt
                            Khuê trung chỉ độc khan
(Nguyệt dạ)
Trăng đâu chỉ làm giá lạnh cánh tay ngọc, trăng còn làm tê tái lòng người phiêu bạt nơi đất khách.
Khác Lý Bạch và Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị không dành vầng trăng cho mình. Ông gởi vầng trăng soi ẩn tình của người trong cung cấm:
Thánh chủ triêu triêu mộ mộ tình
 Hành cung kiến nguyệt thương tâm sắc
(Trường hận ca)
  (Tình vua nhớ nhung hết sớm lại chiều
Ánh trăng nơi hành cung trông những đau lòng)
                     (Trường hận ca)
Ánh trăng ấy là chứng nhân cho cảnh hưng phế của một triều vua. Chứng kiến cuộc đời bể dâu, trăng muôn đời vẫn lặng im tỏa sáng. Trăng rời hoàng cung, trăng đến với những mảnh đời ca nhi lênh đênh sóng nước. Khúc tì bà vẳng đưa, như oán như than, lữ khách chạnh lòng, cúi nhìn ánh trăng dầm trong lòng sông mênh mang, rồi tìm đến nơi trăng rọi quanh thuyền, cùng nức nở với kiếp người phận bạc (Tì bà hành).
So với những hình ảnh thiên nhiên khác, ánh trăng phần nhiều được các nhà thơ nhân hóa. Sự hiện diện của ánh trăng làm thay đổi ngay cảnh - tình vũ trụ. Không gian, thời gian như có hồn hơn, nó ướp đầy thứ ánh sáng thơ mộng của tình người. Nó không chỉ là chứng nhân, nó còn là người bạn tri âm tri kỷ, để những nỗi lòng u uẩn tự bộc bạch. Nó khiến con người sống sâu hơn với nỗi cô đơn và thấm thía cảnh nhớ nhung, ly biệt.
4.6. CẢNH VÀ NGƯỜI TRONG TÂM TRẠNG BUỒN, CHỨA CHAN NƯỚC MẮT:
Đề cập, khai thác nhiều đối tượng thẩm mỹ, các nhà thơ ngân lên mọi rung động tinh tế của tâm hồn. Nhưng cảm xúc thẩm mỹ nổi trội nhất, đậm đà nhất chính là tâm trạng buồn, chứa chan nước mắt. Có 32/49 bài chứa đựng cảm xúc này, chiếm 62%. Nỗi buồn thật dễ đến với tâm hồn thi nhân. Có khi, đó chỉ vì thiên nhiên quá thơ mộng, tĩnh lặng và xa xăm: cảnh buồn của đêm làng chài (Phong kiều dạ bạc – Trương Kế), cảnh buồn của đất trời trống vắng và dòng sông đầy tuyết lạnh (Giang tuyết – Liễu Tông Nguyên),... Có khi nỗi buồn chợt nhói lên, khi gót chân phiêu bạt chạm phải viên sỏi hoài vọng cố hương (Tĩnh dạ tư – Lý Bạch; Nguyệt dạ – Đỗ Phủ; Thu hứng I – Đỗ Phủ),... Nỗi buồn nhớ dậy sóng, vì thời gian trôi đi, cuốn theo bao vẻ đẹp, niềm vui, hạnh phúc: còn đâu nữa những điệu ca vũ rộn ràng (Gác Đằng Vương – Vương Bột), còn đâu nữa cánh hạc vàngngười của ngàn năm trước (Hoàng hạc lâu – Thôi Hiệu), còn đâu nữa lầu son điện ngọc, khúc nhạc tiênđiệu múa Nghê thường (Trường hận ca – Bạch Cư Dị), còn đâu nữa nhan sắc, mùa xuânnhững cuộc truy hoan (Tỳ bà hành – Bạch Cư Dị). Nỗi buồn lại cứa tâm can vì nghẹn ngào ly biệt: những thiếu phụ ngóng đợi chinh phu chốn biên đình hiu hắt (Yên ca hành – Cao Thích), cặp vợ chồng mới cưới đã phải dở
dang ngắm cái kiếp người, cùng chàng thôi sẽ suốt đời nhớ mong (Tân hôn biệt – Đỗ Phủ),... Hơn cả nỗi buồn, chính là đau khổ. Loạn lạc, chiến tranh triền miên, cảnh giết chóc thay cho cày cấy, đến ngựa cũng phải ngước lên trời buồn thảm hí vang (Chiến thành nam – Lý Bạch), nước mất nhà tan, khiến hoa đầm nước mắt (Xuân vọng  - Lý Bạch), kẻ cùng đinh sực nhớ cảnh chiến chinh làm cho nước mắt ướt đầm khăn (Hựu trình Ngô lang – Đỗ Phủ),... Trong cảnh khổ, các nhà thơ nhận ra người nghèo lại càng nghèo, càng cô đơn, khốn khổ: ông già bán than chỉ một manh áo phong phanh nhưng mong trời thật rét để bán được hàng (Mại thán ông – Bạch Cư Dị), bà già quá đói, đành nhặt hạt dẻ tìm cách cầm hơi, khiến người chứng kiến bất giác lệ tuôn dài (Tượng uẩn thán – Bì Nhật Hưu), cả ông già cũng phải vượt tường trốn lính, còn bà lão nghẹn ngào thút thít, đi tòng quân thay chồng con (Thạch hào lại – Lý Bạch),... Không chịu nạn chiến tranh, người cùng đinh cũng phải nhọc nhằn, vì đường đi gian nan, xã hội bất công đầy dẫy: đường xứ Thục khó đi, khiến người thở vắn than dài (Thục đạo nan – Lý Bạch), những dân đinh kéo thuyền, đục đá phải giấu giọt lệ muôn thuở đau lòng (Đinh đô hộ ca – Lý Bạch),  trong lúc nơi cửa son rượu thịt sặc mùi thì ngoài đường, trơ nắm xương người chết rét (Tự kinh phó Phụng Tiên huyện vịnh hoài ngũ bách tự – Đỗ Phủ),... Những thảm cảnh này khiến bao nhà thơ không ngăn nổi dòng nước mắt. Nỗi buồn thương đầm đìa cả những trang thơ.
Thể hiện cảm xúc thẩm mỹ trên, các nhà thơ sử dụng nhiều cách diễn đạt gây hiệu quả cao. Nó chứa đựng ngay trong từ ngữ diễn tả nỗi buồn. Đó là nỗi sầu: sử nhân sầu (khiến người sinh buồn), đối sầu miên (ngủ trước cảnh buồn), sầu không san (âu sầu núi non cô quạnh),... Hay là cái bi: bi thương (buồn thương), bi thiên cổ (muôn thuở đau lòng), vạn lý bi thu (muôn dặm thu buồn),... Phần nhiều là giọt lệ tiếng khóc: yểm lệ (giấu giọt lệ), lệ ngân (ngấn lệ), hoa tiễn lệ (hoa đầm nước mắt), kinh đinh hoàn thức lệ (sửng sốt rồi gạt nước mắt), lưỡng khai tha nhật lệ (hai lần làm rơi nước mắt), lệ doanh cân (nước mắt ướt đầm khăn), lệ triêm thường (lệ rơi thấm áo xiêm), khốc thanh trực thướng can vân tiêu (tiếng khóc vọng lên tận mây xanh), khốc u yết (tiếng nghẹn ngào thút thít), giai yểm khấp (đều bưng mặt khóc), khấp hạ thùy tối đa? (ai khóc nhiều hơn?),... Ngoài ra, còn có những cách nói nghẹn ngào: trường than (than dài), tồi tâm can (nát ruột gan), dục đoạn hồn (buồn tan nát cả tấm lòng), trầm thống bách trung trường (nỗi đau ngầm nung nấu trong lòng),...
Điều gì khiến thơ Đường đầy nỗi buồn và nước mắt như thế? Nhìn lại hoàn cảnh xã hội đời Đường, 300 năm trôi qua là một chuỗi dài đất nước sống trong binh lửa. Trừ 100 năm thịnh vượng, còn lại là chiến tranh loạn lạc. Nhà Đường hết dốc binh lấn chiếm biên giới lại quay sang chống ngoại tộc, rồi tương tàn trong nội bộ tập đoàn giai cấp thống trị. Lửa chiến tranh thiêu cháy cuộc sống yên bình, xua nhân dân đến hố thẳm đói nghèo, khổ đau, ly loạn. Mặt khác, người phương Đông sống tình cảm, rất coi trọng thế giới tâm linh. Trong các sắc thái tình cảm, nỗi buồn bao giờ cũng đến nhiều hơn niềm vui. Niềm vui thì bất chợt, còn nỗi buồn bắt rễ tận đáy sâu tâm hồn. Nỗi buồn bao giờ cũng ngưng đọng, lâu tan, có khi đeo đẳng suốt cuộc đời người. Ngay trong cái đẹp, những vẻ đẹp gắn với nỗi buồn bao giờ cũng có chiều sâu hơn, khơi gợi lòng trắc ẩn nhiều hơn là niềm vui. Nỗi buồn, nỗi đau luôn có sức mạnh cộng hưởng, lây lan. Các nhà thơ vốn là thanh nam châm của thời đại, nên luôn thu hút mọi đau buồn vào tâm hồn mình. Lặn vào tiềm thức, hằn trong ý thức, xúc cảm ấy sẵn sàng trào dâng mãnh liệt theo nguồn thi hứng của họ. Họ cất lên khúc ca buồn cho họ, mà cũng cho tất cả những ai muốn tìm thân phận mình trong khúc ca của họ. Có lẽ vì thế, các nhà thơ đời Đường đã khiến những áng thơ hay nhất tràn ngập nỗi buồn và nước mắt.
4.7. CẢNH – NGƯỜI TRONG HỒI TƯỞNG, TRONG NỖI  TIẾC NHỚ QUÁ KHỨ:
Dù khai thác đề tài nào, cảnh tượng gì, các nhà thơ đời Đường cũng thích nói về thời gian đã qua hoặc liên tưởng đối sánh với quá khứ. Trong nhiều bài thơ, cảm xúc chủ yếu là tiếc nuối quá khứ, tìm thấy hình bóng quá khứ trong hiện tại. Có 23/49 bài như thế, chiếm tỉ lệ 47%. Các nhà thơ thường sống với thế giới hoài niệm. Những gì xưa cũ, những gì đã qua luôn chiếm một vị trí trang trọng trong thế giới tâm hồn con người. Họ cứ lục tìm quá khứ, như cảm giác đã để trôi mất bao điều đáng quý trong đời. Họ thường thể hiện bằng những từ ngữ  chỉ thời gian hồi tưởng: dạ lai, tư, tương tư, hoài, mộng, hối, tích, cố,… cựu,... Có thể dễ dàng tìm ra hàng loạt dẫn chứng như thế:
* Dạ lai phong vũ thanh”
(Xuân hiểu – Mạnh Hạo Nhiên)
(Đêm qua có tiếng gió mưa)
(Buổi sớm mùa xuân)
* Dạ lai thành ngoại nhất xích tuyết”
(Mại thán ông – Bạch Cư Dị)
(Đêm qua ngoài thành tuyết xuống dày hàng thước)
(Ông bán than)
* Dạ lai nam phong khởi
(Quan nghệ mạch – Bạch Cư Dị)
(Đêm qua gió nồm bắt đầu thổi)
(Xem gặt lúa)
* “Cử đầu vọng minh nguyệt
     Đê đầu tư cố hương”
(Tĩnh dạ tư – Lý Bạch)
(Ngẩng đầu ngắm trăng sáng
 Cúi đầu nhớ cố hương)
(Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh)
* “Chính nhung mã lệ doanh cân”
(Hựu trình Ngô Lang – Đỗ Phủ)
(Lại sực nhớ cảnh chiến chinh làm cho nước mắt ướt đầm khăn)
(Lại gửi Ngô Lang)
* “ Trường tương tư
      Tại Trường An”
(Trường tương tư – Lý Bạch)
(Nhớ nhau mãi, ở Trường An)
* “Đương quân hoài quy nhật
     Thị thiếp đoạn trường thì”
(Xuân tứ – Lý Bạch)
(Đương khi chàng nhớ nhà
 Chính lúc thiếp đứt ruột)
(Tứ xuân)
* “Thiên mạt hoài Lý Bạch”
(Thiên mạt hoài Lý Bạch – Đỗ Phủ)
(Cuối trời nhớ Lý Bạch)
* “Dạ thâm hốt mộng thiếu niên sự”
(Tì bà hành – Bạch Cư Dị)
(Đêm khuya bỗng mơ lại cuộc đời tuổi xuân)
(Tì bà hành)
* Hối giao phu tế mịch phong hầu”
(Khuê oán – Vương Xương Linh)
(Hối hận đã để chồng đi kiếm ấn phong hầu)
(Nỗi oán trong phòng khuê)
* Tích thời nhân dĩ một”
(Dịch thủy tống biệt – Lạc Tân Vương)
(Người xưa đã khuất rồi)
* Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ”
(Hoàng Hạc lâu – Thôi Hiệu)
                               (Người xưa đã cỡi hạc vàng bay đi rồi)
* “Xuân lai hoàn phát cựu thời hoa”
(Sơn phòng xuân sự – Sầm Tham)
    (Mùa xuân về còn trổ những bông hoa ngày xưa)
(Cảnh xuân trong nếp nhà trên núi)
   ..... ..... .....
Các nhà thơ đã nhớ gì về quá khứ? Đó là nỗi nhớ gắn liền lòng ngưỡng mộ vô biên người anh hùng Kinh Kha (Dịch thủy tống biệt – Lạc Tân Vương), khâm phục danh tướng Lý Quảng nơi sa trường chinh chiến khổ (Yên ca hành – Cao Thích), tiếc thương hồn thơ Lý Bạch (Thiên mạt hoài Lý Bạch – Đỗ Phủ). Trong tâm tưởng các nhà thơ, dường như chỉ có thời quá khứ mới tạo nên những anh hùng hào kiệt, những thi tiên,…... Sự nghiệp của người hôm nay chỉ soi bóng theo ảnh hình quá khứ. Quá khứ gắn liền với những giá trị mãi mãi không thể vượt qua.
Quá khứ còn là thế giới thần tiên, là quãng đời hạnh phúc, là tuổi xuân oan uổng trôi đi. Người hôm nay thẫn thờ tìm dấu chân tiên, nhìn mây trắng mà mơ lại nghìn năm cũ (Hoàng Hạc lâu – Thôi Hiệu). Cuộc đời bể dâu, người đi hết, chỉ còn lại những bông hoa ngày xưa (Sơn phòng xuân sự – Sầm Tham), chỉ còn lại nỗi thèm gặp vầng trăng thời trước (Bả tửu vấn nguyệt – Lý Bạch). Ai đó nhớ vua Đằng Vương cùng một thời vàng son hoan lạc (Đằng Vương các – Vương Bột), nhớ người đẹp như hoa, khiến lòng tương tư, hồn bay đau khổ trên đất rộng trời dài (Trường tương tư – Lý Bạch). Ai đó nhớ thời lụa hồng lược bạc, được bao người say đắm, ngất ngây (Tỳ bà hành – Bạch Cư Dị). Có cả đôi vợ chồng nào đứt ruột vì nhớ nhau, bức màn the chỉ còn ngọn gió xuân len lỏi ( Xuân tứ – Lý Bạch). Có lẽ, hiện tại đầy đau buồn, ly biệt khiến con người yếm thế, chẳng màng đến tương lai. Họ chỉ biết nhớ về quá khứ, để sống lại lần nữa cảm giác hạnh phúc, để tự xoa dịu vết đau tâm hồn. Với họ, thế giới thần tiên, tuổi xuân và hạnh phúc chỉ có, chỉ còn trong quá khứ. Từ đó, những bài nhắc đến quá khứ đau thương hầu như bao giờ cũng còn dính líu đến hiện tại. Nó là nỗi khổ đau đeo đẳng tự xa xưa cho đến bây giờ.
Mặt khác, đối với các nhà thơ Đường, quá khứ tuy trôi qua nhưng không hề tan biến. Nó luôn hiện diện trong cảm thức con người. Nó ẩn mình trong hiện tại. Nhìn hiện tại, con người thấy được năm tháng đã xa. Càng nhớ thời xưa cũ, con người càng có điều kiện soi rọi, hiểu được cuộc sống hôm nay. Mạch liên tưởng này xuất hiện ở không ít bài thơ:
* “Các trung đế tử kim hà tại?”
(Đằng Vương các – Vương Bột)
 (Con vua trong gác nay nào đâu)
(Gác Đằng Vương)
* Tích thời nhân dĩ một
         Kim nhật thủy do hàn”
(Dịch thủy tống biệt – Lạc Tân Vương)
 (Người xưa đã khuất rồi
Nước sông ngày nay còn giá lạnh)
(Tiễn biệt trên sông Dịch)
* “Bạch vân thiên tải không du du”
(Hoàng Hạc lâu – Thôi Hiệu)
 (Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay)
(Lầu Hoàng Hạc)
* Kim nhân bất kiến cổ thì nguyệt
Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân
Cổ nhân, kim nhân nhược lưu thủy”
(Bả tửu vấn nguyệt – Lý Bạch)
 (Người nay không thấy trăng thời xưa,
Trăng thời nay, từng chiếu người xưa
Người xưa, người nay như nước chảy)
( Nâng chén hỏi trăng)
* “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”
(Khúc giang II – Đỗ Phủ)
 ( Người đời xưa nay ít được tuổi bảy mươi)
(Sông Khúc II)
* Cổ lai bạch cốt vô nhân thu?
Tân quỷ phiền oan, cựu quỷ khốc”
(Binh xa hành – Đỗ Phủ)
 (Xưa nay xương trắng ai nhặt đâu?
Ma mới kêu oan, ma cũ khóc)
(Binh xa hành)
   ..... ..... .....
Đặt quá khứ trong trường nối kết với hiện tại, các nhà thơ Đường cảm nhận thời gian đâu chỉ nhất khứ bất phục phản, thời gian còn có chu kỳ. Con người phải biết ôn cố để tri tân, bởi hiện tại được xây đắp trên nền quá khứ, bởi quá khứ là hình mẫu cho cuộc sống hiện tại. Không noi theo quá khứ, con người sẽ không có chiều sâu tâm hồn, không có tố chất làm nên giá trị bản thân. Mỗi con người đang sống hôm nay luôn có trong mình một bề dày quá khứ. Do đó, mọi cái đẹp được phát hiện và miêu tả đều bao hàm một phần quá khứ hoặc được đặt trong sự đối sánh với quá khứ. Khai thác cảm xúc này, các nhà thơ Đường góp phần tạo được sức mạnh huyền ngoại chi âm cho thơ ca.



5. NHẬN XÉT CHUNG:

Thị hiếu thẩm mỹ của các nhà thơ đời Đường hết sức phong phú và sâu sắc. Mỗi sở thích đều ẩn chứa một cái nhìn, một triết lý thâm trầm về cuộc sống. Chưa có điều kiện bàn về sở thích chọn lựa đề tài, thể thơ, ngôn từ, nhạc điệu,…... của các tác giả,  nhưng qua những gì vừa phát hiện được, chúng ta vẫn nhận ra ý thức thẩm mỹ của họ và tinh thần thời đại bấy giờ.
Sau khi khảo sát và miêu tả khách quan, chúng tôi phát hiện một điều bất ngờ, thú vị: Những đối tượng thẩm mỹ, được các nhà thơ Đường yêu thích, hầu hết đều mang tính âm, thuộc về cực âm. Đầu tiên là cảnh màn đêm - cực âm, theo quan niệm phương Đông. Cảnh chiều, thời khắc sắp kết thúc một ngày, đi dần về cực âm. Đến cảnh mùa xuân, cứ ngỡ đầy sinh khí là dương. Nhưng các nhà thơ nhắc xuân, chỉ để nuối tiếc tuổi xuân, tình yêu, hạnh phúc. Tình cảm chủ yếu ở đây là buồn, mất mát – hóa ra, nó cũng mang cảm xúc âm tính. Đến hình ảnh dòng sông, trong Ngũ hành, Nước thuộc hành Thủy – cực âm. Vầng trăng, đối cực với vầng Thái dương, nghiễm nhiên mang tính âm. Về cảm xúc buồn, chứa chan nước mắt, nó là cái bi, mang cảm xúc âm tính. Hay như tâm trạng hồi tưởng, tiếc nhớ quá khứ, các nhà thơ sống với thế giới những gì đã qua, những người đã khuất. Cuộc hành trình đi ngược thời gian đó hướng về cực âm.
Có thể nói, hiện tượng nầy chính là đặc điểm quan trọng trong thị hiếu thẩm mỹ của các nhà thơ đời Đường. Phải chăng, Thơ ca, đối với họ, thuộc về tính âm. Nó vút lên từ thế giới tâm linh, từ cõi âm sâu thẳm của tâm hồn con người. Tình cảm con người sinh sôi nảy nở mãi theo sự biến đổi, tuần hoàn của thiên nhiên, vũ trụ. Nhưng cảm xúc dương tính không đủ tụ kết, sinh thành những bài thơ vĩnh cửu. Chỉ có cảm xúc âm tính mới giữ tròn thiên chức đó. Chúng làm nên linh hồn của thơ ca, chúng hành trình cùng với thân phận con người. Và trên cuộc hành trình ấy, chúng tạo ra một một trường giao cảm giữa các thời đại với nhau, giữa dân tộc nầy với dân tộc khác. Đã nghiêng về cảm xúc âm tính, các nhà thơ đời Đường, dù vô tình hay hữu ý, đều chọn lựa trong hiện thực khách quan những đối tượng thẩm mỹ phù hợp với quan niệm thi ca, quan niệm sống của mình, của thời đại mình. Nhờ đó, thơ Đường mới có sức lan tỏa mãnh liệt, có sức sống lâu bền, vượt cách trở thời gian, vượt cách ngăn biên giới, làm bạn với những ai có thế giới tâm hồn sâu sắc, biết thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, cũng như nghị lực vươn lên chiến thắng số phận của bao con người trên thế gian này.

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 12 năm 2001
VPC

(Nguồn www.vanchuongviet.org, đăng ngày 23/9/2008)


­œ




PHỤ LỤC

***
NHỮNG BÀI THƠ ĐƯỜNG DÙNG KHẢO SÁT(*):
Bài 01: Đằng Vương các – Vương Bột
Bài 02: Dịch thủy tống biệt – Lạc Tân Vương
Bài 03: Tòng quân hành – Dương Quýnh
Bài 04: Xuân hiểu – Mạnh Hạo Nhiên
Bài 05: Điểu minh giản – Vương Duy
Bài 06: Yên ca hành – Cao Thích
Bài 07: Sơn phòng xuân sự – Sầm Tham
Bài 08: Khuê oán – Vương Xương Linh
Bài 09: Hoàng Hạc lâu – Thôi Hiệu
Bài 10: Phong Kiều dạ bạc – Trương Kế
Bài 11: Tĩnh dạ tư – Lý Bạch
Bài 12: Trường tương tư – Lý Bạch
Bài 13: Bả tửu vấn nguyệt – Lý Bạch
Bài 14: Đinh đô hộ ca – Lý Bạch
Bài 15: Nguyệt hạ độc chuốc – Lý Bạch
Bài 16: Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng – Lý Bạch
Bài 17: Thục đạo nan – Lý Bạch
Bài 18: Thanh bình điệu – Lý Bạch
Bài 19: Hành lộ nan – Lý Bạch
Bài 20: Chiến thành nam – Lý Bạch
Bài 21: Tương tiến tửu – Lý Bạch
Bài 22: Độc tọa Kính Đình sơn – Lý Bạch
Bài 23: Xuân tứ – Lý Bạch
Bài 24: Khúc giang – Đỗ Phủ
Bài 25: Lệ nhân hành – Đỗ Phủ
Bài 26: Tự kinh phó Phụng Tiên huyện vịnh hoài ngũ bách tự – Đỗ Phủ
Bài 27: Binh xa hành – Đỗ Phủ
Bài 28: Nguyệt dạ – Đỗ Phủ
Bài 29: Xuân vọng – Đỗ Phủ
Bài 30: Khương thôn – Đỗ Phủ
Bài 31: Thiên mạt hoài Lý Bạch – Đỗ Phủ
Bài 32: Mao ốc vi thu phong sở phá ca – Đỗ Phủ
Bài 33: Thạch hào lại – Đỗ Phủ
Bài 34: Tân hôn biệt – Đỗ Phủ
Bài 35: Văn quan quân thu Hà Nam, Hà Bắc – Đỗ Phủ
Bài 36: Thu hứng I – Đỗ Phủ
Bài 37: Đăng cao – Đỗ Phủ
Bài 38: Hựu trình Ngô lang – Đỗ Phủ
Bài 39: Đăng nhạc Dương lâu – Đỗ Phủ
Bài 40: Ẩm tửu khán mẫu đơn – Lưu Vu õTích
Bài 41: Giang tuyết – Liễu Tông Nguyên
Bài 42: Thanh minh – Đỗ Mục
Bài 43: Dạ vũ ký bắc – Lý Thương Ẩn
Bài 44: Tượng uẩn thán – Bì Nhật Hưu
Bài 45: Vịnh điền gia – Nhiếp Di Trung
Bài 46: Mại thán ông – Bạch Cư Dị
Bài 47: Quan nghệ mạch – Bạch Cư Dị
Bài 48: Trường hận ca – Bạch Cư Dị
Bài 49: Tì bà hành – Bạch Cư Dị


­œ



THƯ MỤC THAM KHẢO CHÍNH:
***

1.     Hồ Sĩ Hiệp (1995), Thơ Đường ở trường phổ thông – NXB Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh.
2.     Lê Ngọc Trà (chủ biên) (1996), Giáo trình Mỹ học đại cương – Đại học Huế, Trung tâm đào tạo từ xa.
3.     Lương Duy Thứ (chủ biên) (1997), Thơ ca cổ điển Trung Quốc – Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP. Hồ Chí Minh – NXB Trẻ.


­œ






(*)  Tên và thứ tự bài thơ ghi theo Thơ ca cổ điển Trung quốc – Giáo sư Lương Duy Thứ  và Giáo sư Nguyễn Lộc biên soạn – Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh kết hợp Nhà xuất bản Trẻ ấn hành – năm 1997.




No comments:

 

© 2012 Học Để ThiBlog tài liệu