Những cây bút thơ Tiền Giang – một cõi đi về



Tiểu luận Văn học

Những cây bút thơ Tiền Giang – một cõi đi về

                                                                                                            VÕ PHÚC CHÂU

***

 

1. Đọc tuyển tập Thơ Tiền Giang 1975 - 2005, tôi mang niềm vui và nỗi bồi hồi của một người dong ruổi đường xa, bất ngờ gặp lại trong cùng một lúc, hầu như tất cả những gương mặt, những con người thân yêu mà mình từng quen biết và mong nhớ.

Tôi không đủ tầm khái quát, cũng không có cái nhìn xuyên suốt, sâu sát để đánh giá diện mạo thơ Tiền Giang ba mươi năm qua, nhất là chỉ qua một tuyển tập thế này.

Tôi cũng không đủ tự tin và rung cảm nghệ sĩ để thẩm bình những bài thơ hay, hoặc nhận xét phong cách từng nhà thơ, nhất là chỉ qua vài bài thơ chọn lọc.

Cảm thụ thơ ca, tôi sợ sự chủ quan, thành kiến, "yêu nên tốt, ghét nên xấu". Tôi cũng không quen đem vài tiêu chí nội dung tư tưởng nào đó mà phán quyết số phận một bài thơ, một nhà thơ.

Cảm thụ thơ ca, tôi thích tự mình đối thoại với ngôn từ trong tác phẩm. Bởi xưa nay, thơ ca sinh ra cốt là để tìm, để chờ, để gắn kết những tâm hồn đồng điệu. Vì vậy, ngôn từ trong bài thơ chính là những thông điệp, tự nó có một sức âm vang. Bản thân ngôn từ có thể nói với người đọc nhiều điều, về những gì nhà thơ muốn tâm sự và ký thác; kể cả về những gì mà nhà thơ không chủ định thổ lộ, giãi bày.

Cái không chủ định đó, theo tôi, nó luôn bất ngờ vút lên từ thế giới tiềm thức, từ những ám ảnh triền miên trong đời người nghệ sĩ. Chính vì vậy, nhà thơ thường không kiểm soát được nó. Nhưng điều thú vị là người đọc có thể nhận ra nó, thậm chí qua nó, hiểu nhà thơ khá tận tường, sâu sắc.

Đọc Thơ Tiền Giang 1975 - 2005, tôi bị cuốn hút bởi những điều mà các tác giả không chủ định giãi bày. Cụ thể, tôi tự hỏi, trong những bài thơ tâm huyết của mình, các nhà thơ Tiền Giang thường làm cuộc hành trình đi đâu, về đâu? Nhà thơ quan niệm thế nào về con người trong cõi nhân sinh này?

 

2. Có lẽ trong kho báu ngôn từ mà các nhà thơ dày công kiếm tìm và trau chuốt, thật hiếm khi có chỗ cho hai tiếng đi - về. Bởi chúng gần gũi quá, đơn giản quá! Thử hỏi, có ai trong suốt một ngày, trong cả một đời, lại không một lần trải qua những chuyến đi - về?

Thế nhưng, từ những chuyến đi – về ấy, con người đã phải hứng chịu biết bao nhọc nhằn, thậm chí đánh đổi bằng mất mát, hy sinh. Có người ra đi mãi mãi không về. Có người u mê, lạc lối: "Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt"[1]. Có kẻ một đời tha hương, chỉ đau đáu một cơ hội trở về… Hẳn nhiên, sau những chuyến đi - về ấy, con người cũng tìm được những điều lớn lao, cao đẹp; cũng nếm trải ít nhiều sướng vui, hạnh phúc.

Tôi đeo đuổi dòng suy tưởng này từ khi đọc bài thơ đầu tiên cho đến vần điệu cuối cùng. Tôi lặng lẽ dõi theo những chuyến đi - về của các nhân vật trữ tình trong mỗi bài thơ. Ở dây, tơi xin tạm thời m? r?ng khái ni?m "nhân vật trữ tình". Nó không chỉ là "cái tôi trữ tình" của tác giả mà còn là những nhân vật được nhà thơ hóa thân, đồng cảm.

Trên cơ sở này, tôi tiến hành thống kê và miêu tả sự xuất hiện của hai từ đi - về trong cả tập thơ.

Kết quả thống kê đã cho tôi nhiều thông tin bất ngờ; giúp tôi cảm và hiểu được phần nào những cảm xúc thẩm mỹ và quan niệm nhân sinh của các cây bút thơ Tiền Giang.

Cụ thể, tập thơ huy tụ 51 tác giả. Trong đó, để khắc họa tâm trạng nhân vật trữ tình, có 27/51 tác giả dùng từ đi, chiếm 53%. Có 37/51 tác giả sử dụng từ về, chiếm 73%. Tạm thấy, các nhà thơ Tiền Giang mong trở về hơn là được ra đi!

2.1. Thuộc số "nhiệt thành" ra đi phải kể đến các nhà thơ: Hoàng Kim Âu, Nguyễn Quốc Đạt, Lê Tùng Quan, Nguyễn Thạnh, Chí Thiện,...

Đây là Hoàng Kim Âu luôn buồn vui cùng số phận: "Thành bại, được thua nào ai biết được / Xin mang cùng lời ước hẹn, tôi đi". Nhà thơ trẻ Nguyễn Quốc Đạt tự nguyện làm "kẻ đi xa", mặc "hồn lang thang đi khắp nẻo phương trời". Lê Tùng Quan đầy khắc khoải: "Đi qua cầu ván tuổi đời / Mười hai bến nước duyên trời đẩy đưa". Nguyễn Thạnh vừa đi vừa triết lý: "Trái đất tôi như một sân ga / Kẻ đến, người đi hối hả". Chí Thiện lại "Mãi đi tìm tình người trước mặt / sau lưng thất thoát con người" …

Đọc những nhà thơ này, tôi tự hỏi, điều gì khiến các tác giả lại nghĩ nhiều, viết nhiều về những chuyến đi như thế? Phải chăng, mỗi vần thơ về sự ra đi là một vết chân hằn sâu, kết tụ bao trải nghiệm gió sương và khao khát chưa thành của nhà thơ? Phải chăng, đó còn là sự phản chiếu một phần đời tác giả: cuộc sống xê dịch, trải bao biến động, nhiều cơ hội ra đi; nhất là trong tiềm thức, thường bị ám ảnh về những chuyến đi xa?

2.2. Thuộc nhóm nhà thơ trăn trở nhiều về sự đi và cả sự trở về chính là Bảo Châu, Võ Tấn Cường, Trần Đỗ Liêm, Lê Ái Siêm, Trương Chính Tâm, La Quốc Tiến, Vũ Tuấn, Diệp Minh Tuyền, …

Đây là chuyến đi trĩu nặng cõi lòng của Bảo Châu: "Tôi đi một mình / Chiều như chiêm bao", "Xe đi theo những ngọn đèn / Tôi đi theo những lấm lem phận người". Và chuyến trở về đầy buồn thương: "Chuyến xe rời bến muộn màng / Tôi về mưa ướt thương hàng cây đêm". La Quốc Tiến cũng một mình xuôi ngược đường đời. Có lúc "trên chuyến phà tôi đi"; nhiều phen "tôi về Gò Công", giữa lúc con tim "mang niềm lưu tán / Về đây cũng không giáp mặt mình!". Trái lại, Lê Ái Siêm không đi về cô lẻ. Anh cùng bao người đi giữa không gian đa sắc, đa chiều: "Người đi bằng ánh sáng của riêng mình", "Ông đi giữa những gam màu chuyển động", "Các anh đi / những lá vàng cuối mùa rơi trong quầng mắt má". Và anh lại cùng bao người trở về âm thầm, lặng lẽ: "Tôi trở về hoàng hôn Mỹ Tho", "Người trở về lặng lẽ như trăng", "Chị trở về / một mình cơn gió"… Chính Tâm cũng lên đường trong nhớ thương, lưu luyến: "Con đi rồi!Nội lại có nhiều con", "Hai năm con đi – dài hai mươi mốt năm". Từ đó, anh hay ngậm ngùi trong chuyến trở về: "Con cháu về quê tảo mộ hàng năm", "Tuổi bảy chín nội trở về với đất", "Trong cơn lẫn ngỡ con về với mẹ". Riêng với Trần Đỗ Liêm, dẫu đi hay về, lúc nào hồn anh cũng dạt dào, tình tứ: "Con đò chở nắng sang ngang / Người đi … sóng vỗ miên man bãi bồi"; "Em về chia lại cho tôi / Bài ca nửa nhịp, chân trời ngàn sao". Võ Tấn Cường, đi – về trong những giấc mơ dữ dội: "Tôi đi bằng bốn chân / Con đường hun hút vực sâu âm âm cõi đá", "Tôi ra đi từ bến sông về ngủ cạnh bến sông / và mơ chết chôn mộ sóng". Diệp Minh Tuyền lại đi – về trong cõi phù sinh: "Đời như một cuộc tình cờ / Không hay ta đến, quên giờ ta đi", hoặc như: "Trắng tay còn nỗi đam mê / Có qua danh vọng cũng về hư vô".

Đọc các nhà thơ này, tôi nhận ra dòng đời xuôi ngược, bắt gặp bao cảnh ngộ, với bộn bề lo toan, những buồn – vui - được – mất. Tôi đồng thời bắt gặp ở đó nhiều suy tưởng triết lý sâu sắc, thấm thía về thân phận con người trong cuộc đời. Các nhà thơ này, theo tôi, hẳn đều là những cây bút từng trải; luôn ưu tư, khắc khoải về sự tồn tại của con người trong cõi đời.

2.3. Thuộc số chỉ đau đáu niềm mong ước trở về, đó là Trang Huyền An, Phan Ngọc Thường Đoan, Nguyễn Thanh Hải, Phan Thành Hiệp, Trần Ngọc Hưởng, Nhật Linh, Phạm Huy Ngữ, Nguyễn Trọng Tấn,… 

Trang Huy?n An trở về giữa mùa xuân chiến thắng: "Ngày cờ hoa chiến thắng rợp trời / Ta đón nhau về hôn say đắm", "Anh về mai nở đẹp cùng anh". Thanh Hải, sau mười năm ly biệt, bồn chồn "về thăm quê cũ". Anh trầm tư trước "Vầng trăng cong / Trắng lối về xa xăm". Trong khi đó, Nh?t Linh luôn "về tình cờ", "về bất chợt", để rồi "Ngỡ ngàng bên sông đứng đợi", trước mắt là "Cánh rừng bạc trắng trong mưa". Nguyễn Trọng Tấn đau đáu nhìn "phía em về đơn lẻ", "Phía em về / Nhòa nhạt ánh trăng suông". Phan Thành Hiệp chỉ trở về trong tình yêu, hạnh phúc: "Chiều anh qua ngõ nhà em / Tối về thao thức … biết mình nhớ ai", hay "Mưa cho lúa mượt đồng xanh / Cò chao nhịp võng chân anh tìm về". Đặc biệt, trong thơ Phan Ngọc Thường Đoan, niềm khao khát trở về đã thành một ám ảnh xót đau, thường trực và da diết. Chị bao lần: "Vượt sông Tiền tìm về đất quê cha", "Về Mỹ Tho thăm mẹ / tìm bến Lạc Hồng ngày xưa", "Về Mỹ Tho thăm mẹ qua con đò ngang", "chiều về Mỹ Tho / xuyến xao nhớ tuổi dậy thì". Chị đã bao lần ra đi nhưng rồi cũng tìm cách quay về: "Thôi ta bỏ núi về sông / hái bần chua vớt ròng ròng mùa mưa", "Thôi ta bỏ núi về đồng / đem vầng trăng khuyết treo dòng sông xưa", "Ta về vun lại giồng lang / tát con mương nhỏ tìm hang bống kèo"… Tôi đã buồn đến nao lòng khi đọc những vần thơ của chị. Phải chăng, chị đã viết những vần thơ xao xuyến ấy bằng tấm lòng của một người xa quê, đã đi nhiều và mất mát nhiều, mà hồn thơ luôn đeo đẳng một ước vọng quay về?

Nhìn chung, tôi cảm giác các nhà thơ hay viết về sự trở về đều là những cây bút đã từng nếm trải thấm thía sự xa cách trong đời và luôn giấu tận đáy lòng niềm nhớ thương quê cũ, người xưa.

2.4. Trong 51 nhà thơ góp mặt, hẳn nhiên cũng có những cây bút không hề nhắc đến sự đi – về. Đó là Trần Công Tùng, Nguyễn Thị Ngọc Tiếp, Trần Thị Ngọc Hồng, Châu Thị Tâm, Nguyễn Thanh Xuân, Võ Phúc Châu, Trương Trọng Nghĩa,… Các tác giả này có xu hướng độc thoại nội tâm; chăm chút cho hạnh phúc, tình yêu đời thường. Trương Trọng Nghĩa thường "đối mặt một ngày mới / bằng những bộn bề lo toan / những buồn vui vụn vặt". Trần Thị Ngọc Hồng nhận ra "Tơ vàng đã rải đầy sân / Tôi đem giá buốt tần ngần ra hong…". Nguyễn Thị Ngọc Tiếp nhủ lòng: "Cả đời sương khói lửng lơ / Tóc thôi xanh nữa vẫn chờ đợi nhau". Châu Thị Tâm nguyện ước "Hãy cho em làm rêu, còn anh là đá / Trong sóng gió cuộc đời em trôi dạt vào anh". Nếu có suy tư, các nhà thơ này cũng hướng về đời thường, trong không gian gia đình nhỏ hẹp. Đó là Trần Công Tùng vui vì con "Hàng trăm câu hỏi xôn xao / Hàng trăm cái lạ dội vào con tôi". Nguyễn Thanh Xuân lo nghĩ cũng vì con: "Mặt trời thức. Chợ đời sao oi bức / Tiếng con tôi thưa mẹ để xin tiền"

Điều thú vị, bất ngờ là hầu hết các cây bút này vốn là thầy cô giáo! Riêng Trương Trọng Nghĩa là viên chức, lo việc hành chánh. Phải chăng, chính cuộc sống êm đềm, bình lặng, ít xê dịch của nghề giáo và công việc hiện tại khiến các nhà thơ ít mộng tưởng đi xa, nên càng không nghĩ đến sự trở về? Trường hợp nhà thơ – nhà giáo Nguyễn Mạnh Bình tưởng là ngoại lệ. Tác giả có dùng một từ về, nhưng thực ra, chỉ là "gánh mùa xuân về chợ", vẫn là một không gian gần gũi, đời thường!

 

3. Đọc Thơ Tiền Giang 1975 - 2005, tôi tự hỏi, các nhà thơ Tiền Giang quan niệm thế nào về sự đi – về? Nhân vật trữ tình trong thơ đã đi đâu, đi để làm gì,? Rồi cuối cùng, tất cả sẽ về đâu?

3.1. Lần theo các cuộc ra đi, tôi hiểu: đi có nghĩa là sống, là trải qua, là một cách gắn bó hết mình với cuộc đời, cho dù đến hơi thở cuối. Nhờ đó, tôi được "đi trên đường quê", "đi trên chuyến phà", "đi trên con đường nông dân cày ruộng", "đi giữa tít tắp màu xanh". Có lúc, tôi phải "đi qua cầu ván", thậm chí "vạch lùm lau sậy tôi đi". Nhờ đó, tôi được "đi giữa cuộc đời", được "đi xa", "đi khắp nẻo phương trời". Trên đường đi, tôi mới biết cảm thương người "đi biển một mình", tôi mới hay Chế Lan Viên "đi đến lò thiêu bằng nụ cười bình thản"

3.2. Qua các nhà thơ, tôi còn biết: đi tức là lên đường ra trận. Nhờ đó, tôi được sống với không gian chiến tranh, nơi có cuộc kháng chiến trường kỳ, vĩ đại của dân tộc: "Rồi ta đi vào cuộc chiến tranh" (Trần Anh Tài); "Ngày anh đi tuổi vừa tròn mười tám / Mũ tai bèo vành vạnh vầng trăng" (Võ Thị Kim Liên); "Những nẻo đường chiến tranh / đi trong những trái tim chảy máu" (Lê Ái Siêm); "Hai năm con đi – dài hai mươi mốt năm" (Trương Chính Tâm); "Thằng Út con mẹ đi mãi không về / Giữ lời thề nó nghỉ lại Trường Sơn" (Thái Bạch) …

3.3. Nhờ các nhà thơ, tôi cũng vỡ lẽ, đimột cách để tìm kiếm cái gì đã mất hoặc cái từng khao khát trong đời. Ở đó, tôi bắt gặp một Hoàng Kim Âu "đi tìm mộng", đến nỗi "cứ mụ mị đi tìm, chợt chạm hư vô"; một Thái Bạch lặng lẽ "đi tìm mảnh vỡ"; một Phạm Chí khắc khoải "đi tìm nhau chiều hanh nắng bồi hồi"; một Lê Tùng Quan rong ruổi "đi tìm tháng Giêng"; một Chí Thiện gắng công "đi tìm tình người trước mặt, khiến "sau lưng thất thoát con người"; riêng Như Anh thì chỉ cần "đi mãi lòng vòng tìm quên"…

3.4. Từ các nhà thơ, tôi còn hiểu thêm: đi cũng có nghĩa là vĩnh biệt thế gian này, cõi đời này. Nguyễn Thạnh, Diệp Minh Tuyền cùng nhận ra sự phù du, ngắn ngủi của đời người. Với Nguyễn Thạnh, "Trái đất tôi như một sân ga / Kẻ đến, người đi hối hả"; còn theo Diệp Minh Tuyền, "Đời như một cuộc tình cờ / Không hay ta đến, quên giờ ta đi"

3.5. Lần theo các cuộc trở về, tôi nhận ra một tương phản: các nhà thơ dùng nhiều từ về hơn từ đi; thế nhưng không gian ra đi lại được miêu tả phong phú hơn không gian trở về. Hẳn nhiên, không gian trở về luôn trào dâng niềm xúc động. "Trở về" cùng các nhà thơ Tiền Giang, tôi cảm thấy gắn bó thêm, yêu quý hơn gốc rễ, cội nguồn của cuộc đời mình. Nơi trở về, còn gì khác hơn là căn nhà yêu dấu, là quê hương ruột thịt. Theo đó, tôi được "về nhà", "về quê", "về với mẹ", "về đất quê cha", "về Mỹ Tho", "về Gò Công"… Không gian trở về gắn liền với miền quê nhiều sông nước, cảnh vật cũ xưa, in dấu một thời kỷ niệm: "về bên kia sông", "về sông", "về đồng", "về biển", "về cù lao", "về trên đường xanh mát", "về xóm nhỏ", "về thăm quê cũ", "về sân trường cũ", "về thăm lại chùa cũ", "về thăm lại góc vườn xưa"…  Hiếm hoi lắm, tôi mới biết thêm, không gian trở về còn là cõi chết: "về với đất", "về hư vô"…

 

4. Nhìn chung, qua kết quả khảo sát, tôi hy vọng người đọc có thêm một hướng tiếp cận thế giới nội tâm tác giả; hiểu thêm những ưu tư, trăn trở và khát vọng của nhà thơ về cuộc đời; nhận rõ hơn sự gắn bó máu thịt giữa nhà thơ và tác phẩm. Ai đó từng nói "Thơ hay là thơ có sức ám ảnh". Nếu vậy, qua kết quả này, tôi có quyền vui mừng vì người đọc đã tìm được không ít bài thơ giàu sức ám ảnh từ các cây bút Tiền Giang.

Cũng vậy, qua việc tái hiện không gian ra đi và không gian trở về trong cả tập thơ, tôi hy vọng người đọc trở nên gần gũi hơn, yêu mến và gắn bó hơn với cảnh vật, cuộc sống và con người Tiền Giang. Tôi mong sao các nhà thơ Tiền Giang, khi tiếp tục dấn thân vào cuộc hành trình sáng tạo, sẽ chú ý mở rộng hơn nữa phạm vi hiện thực, đào sâu hơn nữa thế giới nội tâm, để nâng tầm tác phẩm, đưa thơ ca Tiền Giang vượt không gian sông Tiền, hòa nhập vào vào di sản thơ ca Việt Nam hiện đại.

Võ Phúc Châu

 

 



[1] Lời nhạc Trịnh Công Sơn.




No comments:

 

© 2012 Học Để ThiBlog tài liệu